Vai diễn này do nữ diễn viên Lương Ngọc Dung đảm nhận. Khi xem phim, khán giả dành lời khen cho đạo diễn khi chọn nhân vật bà Nga thời trẻ và bà Nga sau này vô cùng thuyết phục. Khi ảnh Ngọc Dung và NSƯT Thanh Quý được đặt cạnh nhau, ai cũng phải thừa nhận một điều là cả hai nữ diễn viên có rất nhiều nét giống nhau. Khi xem những tập đầu của phim, khán giả yêu và cũng thương bà Nga, người phụ nữ đôn hậu, tốt bụng và tử tế. Bà Nga không ngại giúp Yến (Kim Oanh) dù cô là người xa lạ và sau này còn nhận nuôi Hoa (Diệp Anh). 

Khi nhận lời đảm nhận vai Hoa, Lương Ngọc Dung đã suy nghĩ rất nhiều. Nữ diễn viên chia sẻ: “Tôi vào nghề đến nay là tròn 15 năm, với phim truyền hình tôi cũng đã từng vài lần đảm nhận những vai diễn dài hơi, thế nhưng luôn tồn tại ở đó là sự ngắt quãng. 15 năm – tôi đã nhiều lần dừng lại, vì những lý do như đỗ đại học, lấy chồng, sinh con và ti tỷ lí do khác không thể gọi tên. Nhưng vì đau đáu với nghề nên tôi luôn cố gắng quay trở lại, mỗi lần quay lại – đó không còn là bước tiếp nữa mà là làm lại từ đầu, bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Mỗi lần quay lại nghề tôi lại bắt đầu với những vai quần chúng không thoại rồi dần dà thành quần chúng có thoại, rồi lên tới vai phụ được một vài phân đoạn. 

Vì vậy, giờ đây với vai bà Nga hồi trẻ thì với tôi đó là cả một sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ và cả may mắn nữa. 4 tập – với nhiều người thì là con số ít ỏi, nhưng với nhiều người khác thì lớn lắm. 

Với tôi, 4 tập phim lúc này không phải là ở độ dài nữa mà là sức nặng. Các cụ thường nói, “đầu xuôi thì đuôi lọt” nên việc để mở đầu có thể xuôi, để mở màn cho những điều hay, điều tốt của sau này là một trách nhiệm nặng nề”. 

Nhắc về nhân vật bà Nga, cũng như nhiều khán giả khác, Ngọc Dung dành rất nhiều tình cảm cho nhân vật lần này của mình. 

“Tôi hay được mọi người trêu là “Gương Mặt Vàng trong làng hồi tưởng” bởi vì tôi thường vào những vai hồi tưởng, vào giai đoạn của những thập niên cách đây vài chục năm. Với bộ phim Thương ngày nắng về, tôi cũng vào nhân vật bà Nga ở thời kỳ ấy. Ở giai đoạn này bà Nga còn trẻ, chưa phải là một người phụ nữ từng trải, chưa nếm quá nhiều cay đắng, sóng gió như những gì đề cập ở trailer giới thiệu. Thế nhưng, sóng chỉ bắt đầu khi có gió – và giờ là lúc gió đã bắt đầu. 

Khi nhận kịch bản, tôi không biết về những phần sau, cũng không biết cô Thanh Quý diễn thế nào, không biết làm sao để hai phần có thể ăn khớp với nhau nên tôi khá lo lắng, tôi chia sẻ lo lắng ấy thì đã được đạo diễn, D.O.P động viên rất nhiều. Cuối cùng, tôi đã tạo ra Nga của tôi sau nhiều đêm trăn trở, làm sao cho thật nhất, đời nhất, gần gũi tự nhiên nhất mà tôi có thể. Nga chỉ là một người phụ nữ với gánh bún riêu như bao người phụ nữ ta bắt gặp ngoài đời. 

Ở Nga, nhắc đến đầu tiên là sự nhân hậu. Dù chẳng dư giả nhưng Nga vẫn sẵn sàng chia sẻ với những người hát rong kiếm sống, Nga lo lắng cho Yến từ vết thương đến giúp đỡ tìm chỗ thuê nhà, làm bún cho Yến ăn, quan tâm Yến hơn cả chính người nhà tệ bạc của Yến. Ở Nga là sự vất vả, lam lũ của người phụ nữ buôn thúng bán mẹt với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai… Chồng Nga – ông Mậu, là một anh cán bộ xã chuyên làm băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền, tính nghệ sĩ mơ mộng luôn thích vẽ vời, gánh nặng kinh tế gia đình dồn cả lên đôi vai người phụ nữ. Mậu thử theo người ta làm ăn để rồi thất bại thành ra hai vợ chồng ôm một đống nợ, phải vay mượn khắp nơi, Nga vẫn tần tảo cùng chồng trả nợ. 

Nga cố gắng chu toàn, cáng đáng việc gia đình như cái đức hy sinh quen thuộc của người phụ nữ Việt. Bên cạnh đó, ở Nga là sự nhẫn nhịn, dù mẹ chồng mắng mỏ, đay nghiến chì chiết nhưng Nga dù thế nào cũng vẫn phải cố gắng kìm lại để không được rơi nước mắt, vẫn cố gắng tươi cười với mẹ chồng cho phải đạo dâu con. 

Thế nhưng, Nga cũng sẽ luôn vùng lên phía trước như một con gà mẹ dang cánh che chở cho con mỗi khi gặp nguy hiểm. Nga có cậu em trai ngờ nghệch lấy vợ mà bị cô dâu cuỗm hết tiền mừng cưới trong đêm tân hôn, giờ cậu em sầu não suốt ngày say xỉn vì bị cả làng chê cười. Mẹ ruột Nga vay mượn khắp nơi lo tiền cưới xin cỗ bàn cho con trai để rồi lại thêm bao khoản nợ. Nga lại vun vén giúp mẹ trả nợ cho em. Khác với Yến, dù gia cảnh khó khăn nợ nần nhưng ở gia đình Nga vẫn có sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Ở Nga vẫn có niềm vui bên chồng và con gái chứ không bi kịch như đời Yến. 

Ở Nga là bao cung bậc cảm xúc của một người phụ nữ đời rất đời mà ta có thể bắt gặp ngoài kia. Là Nga, tôi chẳng phải diễn gì nhiều vì cơ bản tôi chính là Nga như ngoài đời, và tôi tin sẽ nhiều người thấy hoàn cảnh mình trong đó. 

Nga là người phụ nữ đời rất đời mà ta có thể bắt gặp trong cuộc sống. Nga có sự đôn hậu, tần tảo đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam. Hoàn cảnh như Yến thì có thể hiếm gặp hơn nhưng Nga thì tôi tin là ai xem cũng thấy bản thân mình hoặc người thân của mình ở đó. Họ là mẹ, là vợ, là chị em bạn bè xung quanh chúng ta.

Nga còn đời rất đời ở cái việc quát con, Nga sẵn sàng đánh đòn Khánh vì giả bệnh hay bỏ nhà đi rồi lại tất ta tất tưởi đi tìm. Nga cũng không ngần ngại đánh mắng, dúi đầu Vượng vì say xỉn tối ngày nhưng vẫn xót thương cậu em trai ngây dại. Nga rất đời ở cái việc Nga không hoàn hảo, Nga tần tảo nhưng cũng hay chì chiết, Nga đôn hậu nhưng vẫn có sự dữ dằn của bà mẹ, sự ghê gớm của bà chị, Nga vẫn có những giây phút cười hạnh phúc bên gia đình nhỏ ấm áp của cô” – nữ diễn viên có những tâm sự rất dài về nhân vật lần này của mình.

Có thể nói chỉ qua những tập đầu tiên mà Thương ngày nắng về đã chiếm được rất nhiều tình cảm của khán giả. Các nhân vật đóng vai thời trẻ đến các diễn viên nhí đều đã thể hiện xuất sắc vai diễn của mình. 

Hãy cùng chờ đón những tập tiếp theo của Thương ngày nắng về, phát sóng vào 21h40 thứ 2,3,4 hàng tuần trên kênh VTV3. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguồn: vtv.vn